Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần XVII Mùa Thường Niên (Mt 13,31-35) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN XVII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 13,31-35

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc 1: Xh 32,15-24. 30-34

Môsê từ trên núi xuống tay cầm bia đá có khắc chữ cả hai mặt. Khi đến gần trại, Người thấy con bê đực và những người nhảy múa.

Lịch sử dân Chúa được ghi mốc bằng những ơn lành của Thiên Chúa, và tội lỗi của dân này. Việc long trọng cử hành Giao ước vừa mới được tổ chức. Môsê lại lên núi Sinai.

Khi ông vắng mặt, Israel đắp một con “bò bằng vàng”, và ca hát múa nhảy xung quanh nó mà thờ kính. Con "bò bằng vàng” này, đối với Tây phương trở thành hình ảnh cổ điển biểu trưng việc thờ ngẫu tượng, đặc biệt là sự tôn thờ của cải, lối giải thích này không sai. Nhưng nó hẹp hòi quá.

Thực sự Aaron đã bảo dân mang đồ nữ trang lại: dân chúng tự lột bỏ của cải mình có để dâng cho Chúa. Vậy đây không phải do tội lỗi của họ.

Tôi nói với họ: "Ai trong các ngươi có vàng hãy mang đến cho tôi, họ mang đến”.

Ở đây chúng ta khám phá ra tất cả sự hàm hồ của tội lỗi. Họ tin là đã làm việc lành, để kính Chúa.

Những con người tội nghiệp: Họ giống chúng con biết bao: Chúng con cũng thường rơi vào cạm bẫy sự dữ mà không hoàn toàn chú ý tới lỗi lầm của chúng con được sáng suốt.

Xin giúp chúng còn nhận rõ và lột mặt tội lỗi thường né tránh chúng con.

Vậy lỗi lầm thật sự của họ là gì?

Chúng đã nói với tôi rằng: "Xin ông hãy đúc cho chúng tôi những vị thần để dẫn dắt chúng tôi đi, vì ông Môsê, người dẫn dắt chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy đến cho ông”.

Tội lỗi của họ là đã muốn "trình bày" Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa vô hình, mầu nhiệm. Nhưng con người luôn có khuynh hướng muốn định vị, vật chất hóa Thiên Chúa, để được yên tâm, và có thể nói, để nắm bắt được Người. “Hãy đúc cho chúng tôi những vị thần để dẫn dắt chúng tôi, những vị thần mà người ta nhìn thấy”. Cả giới lệnh đầu tiên của thập giới quả quyết độc thần thiêng liêng, về việc thờ tượng bò có nguy cơ dẫn Israel trở lại với các tôn giáo tự nhiên, với việc thờ sự sinh sản của bao dân tộc thời đó. Vậy chính vì bảo vệ sự tinh ròng của đức tin, sự chân chính của Thiên Chúa ẩn kín mà Môsê nổi cơn thịnh nộ thánh.

Vầng, lạy Chúa, Chúa là Đấng hoàn toàn khác. Không ai có thể giơ tay chộp bắt Chúa. Chúng con muốn tin rằng. Chúa cùng đi đường với chúng con, cả khi chúng con không thấy Chúa. Xin hãy thanh tẩy đức tin chúng con khỏi những hàm hồ. Xin hãy thương xót sự yếu hèn của chúng con.

Hôm sau Môsê nói với dân: Các ngươi đã phạm một tội rất lớn, nhưng bây giờ ta sắp lên với Giavê, có lẽ ta sẽ xin được Người xá tội cho các ngươi.

Thái độ của Môsê thật gương mẫu.

Thay vì tách mình khỏi đám dân tội lỗi, ông lại quay về Chúa để khấn cầu ơn tha thứ.

Người “môi giới” nhất thiết phải là người tách lìa khỏi hai phía đối nghịch, để làm cho họ xích lại gần nhau: Môsê liên kết với Thiên Chúa và bảo vệ quyền lợi Người... Nhưng ông cũng liên đới với dân mình và sắp bảo vệ họ nơi Thiên Chúa.

Cả chúng ta nữa, chúng ta có thể kết án tội lỗi và yêu thương tội nhân không? Tôi có thường can thiệp cho những người làm sự dữ không?

Môsê là mẫu gương của sự chuyển cầu và do đó, ông loan báo Chúa Giêsu

Khi nghĩ tới nhiều hình thức “bò bằng vàng". HÔM NAY tôi cầu nguyện cho thế giới tội lỗi... mà tôi là thành viên.

Bài đọc II: Gr 13,1-11

Các vị ngôn sứ nói không những bằng ngôn từ mà còn bằng cuộc đời của họ nữa. Chúng ta đã thấy Osée và Isaia tuyên sấm qua các con cái họ. Ngày nay chúng ta sẽ nhìn thấy sứ điệp trong một hành động vì biểu tượng như xem xi-nê.

Hãy mua một dây nịt bằng gai mịn và quấn trên lưng…hãy làm lấy dây lưng người đã mua, đứng dậy đi đến sông Euphrate và giấu nó trong một kẽ đá.

Khía cạnh đầu tiên của dụ ngôn bằng hành động là,

Thiên Chúa liên kết với dân Người như chiếc dây nịt quấn vào lưng.

Tôi suy nghĩ xem hình ảnh cụ thể này nói gì?

Một sợi dây lưng:

1. Hữu ích: cần trong trang phục.

2. Một món trang sức: nó có thể là một yếu tố để tăng thêm vẻ trang nhã.

3. Nó dính vào thân thể mình để mang theo khắp nơi. Cũng là điều lạ lùng vì sự việc ấy có thể xảy đến, Thiên Chúa dám dùng ba hình bóng để áp dụng cho việc Người kết hợp với dân Người.

4. Sợi dây lưng sẽ trở nên "đồ vô dụng”, thế mà nó cũng có ích cho Thiên Chúa... (câu 7).

5. Dây lưng phải làm “rạng danh" Thiên Chúa.. (câu 11).

6. Thiên Chúa ‘kết hợp” với dân Người (câu 11).

Sau bao ngày trôi qua, khi Giavê phán bảo tôi: “Dậy đi đến sông Euphrate, và lấy lại dây lưng Ta truyền ngươi giấu ở đó. Tôi đã đi đến đó, và kìa chiếc dây lưng đã mục thành vô dụng”.

Khía cạnh thứ hai của dụ ngôn là, sự loan báo tượng

trưng của cuộc lưu đày. Euphrate là con sông của Babylon và Assur, các lực lượng hùng mạnh phía đông không ngừng đe dọa Israel.

Một số người tưởng rằng thực ra Giêrêmia đã giấu dây lưng ở phía tây Fara, sáu cây số về phía bắc Anatot, quê hương của ông: tên dòng suối ấy gợi lại tên Euphrate (Fara, theo tiếng Hipri thì đọc là Perat).

Cũng vậy Ta sẽ hủy hoại lòng kiêu căng lớn lao của Giêrusalem, dân tộc ác này không chịu nghe lời Ta, cứ theo sự ngoan cố của nó, chạy theo mà thờ lạy những thần khác. Chớ gì dân này trở nên giống sợi dây lưng kia, ra vô dụng.

Để trở nên ruột dân hữu dụng, một dân có ích cho Thiên Chúa. Theo lời giải thích của Giêrêmia thì: Vai trò và sự hữu ích của dân là "biết nghe" lời Thiên Chúa.

Phải chăng tôi là người biết lắng nghe?

Khả năng lắng nghe lời Chúa trong kinh Thánh, và trong cuộc sống thường nhật của tôi thế nào?

Còn tôi, phải chăng tôi có một tâm hồn chắc cứng? Tôi có chạy theo các thần của thời đại, làm nô lệ tất cả mọi sự không?

Bấy giờ tôi trở nên “vô dụng" cho Thiên Chúa, Đức Giêsu sẽ nói: “Nếu hạt muối " lạt đi, nó trở thành vô dụng, người ta quăng đi để chà đạp dưới chân (Mt 5,13).

Như một sợi dây lưng... Ta đã thắt chặt Ta với toàn thể nhà Giuđa.

Tôi có kết hợp mật thiết với Thiên Chúa không? Thiên Chúa có kết hợp với tôi không?

Để chúng làm dân Ta, làm danh giá, làm danh dự và làm lời ngợi khen Ta. Nhưng chúng đã không nghe.

Một cộng đoàn tin tưởng là phải làm vinh danh Thiên Chúa, loan truyền Người.

NGÀY NAY, Ta có thể nói, làm cho Người trở nên hấp dẫn... bởi vì cộng đoàn ấy tốt đẹp.

BÀI TIN MỪNG: Mt 13,31-35

Nước Trời…

Cũng là "Nước Thiên Chúa”… Nếu Thiên Chúa thực sự là Vua nhân loại, nếu con người phục tùng kế hoạch yêu thương của Người, nếu trí khôn con người để cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa soi dẫn, nếu tâm hồn con người để cho năng lực tận hiến của Thiên Chúa đốt nóng thì Nước Thiên Chúa đang tiến triển.

Thỉnh thoảng cần phải tưởng nhớ đến “Nước Trời”, đến thành tựu của công trình Thiên Chúa.

Lạy Chúa, nhưng tại sao thế giới còn quá cách xa chương trình tốt đẹp của Chúa?

Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải, người nọ lấy gieo vào vườn mình.

Một hạt... Một hạt cải gieo xuống...

Đây là kinh nghiệm, người ta đã phải thực hiện: Lấy một hạt và gieo xuống. Không có gì sống động bằng kinh nghiệm đó để hiểu biết tiềm năng của sự sống. Bề ngoài, giữa hạt giống và miếng vụn sỏi không khác biệt là mấy. Nhưng nếu tôi đặt cả hai trong lòng bàn tay, sẽ nhận thấy một thứ là hạt mầm sống động sẽ trổ đọt xanh tươi, trong khi thứ kia chỉ là một chút khoáng vật khô chết.

Tuy nó là loại hạt giống nhỏ nhất, nhưng khi mọc lên, thì lại là thứ rau lớn nhất. Nó trở thành một cây to đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành được.

Đây là luật tăng triển, luật kiên trì... cũng là luật cốt yếu của sự sống.

Lạy Chúa, tại sao trần gian còn ở xa Nước Chúa đến thế?

Lạy Chúa Giêsu, cần phải nghĩ gì về số người nhỏ bé thực sự theo Chúa?

Nhóm Mười Hai theo Chúa, có xứng với Thiên Chúa không? Có xứng với mọi khổ cực Chúa đã chịu để cứu độ chúng con không?

Thiên Chúa truyền: Hãy giữ lại trong tay thứ hạt giống nhỏ nhất: Nước Thiên Chúa cũng như thế! Những sự vật nhỏ bé đôi khi lại trở thành lớn lao đối với những con mắt biết nhìn.

Không phải những bề ngoài mới đáng kể. Đức Giêsu nhìn thấy thân cây lớn đã hiện diện trong Lời Người gieo vãi. Lạy Chúa, xin giúp chúng con “thấy” vẻ huy hoàng, sự phong phú, sắc đẹp và sức sống hôm nay đang được chuẩn bị trong sự bé nhỏ và khiêm tốn của những hạt cải: Xin cho chúng con có thái độ như Chúa, biết ngắm nhìn chim trời mai ngày sẽ đến làm tổ, và một ngày nào đó sẽ ca hót líu lo trên thân cây đã phát sinh từ hạt giống này.

Nước Trời giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.

Đó cũng là một thứ bất cân xứng.

Một nhúm men nhỏ bé, trộn lẫn với hơn 40 ký bột: nếu ta nhìn bề ngoài tác vụ của Đức Giêsu, thì xem ra thật là vô ích, nhưng Đức Giêsu, nhìn xa, thấy rộng hơn: Người nhìn trải dài tới viễn tượng “cánh chung”, khi “Thiên Chúa trở nên tất cả cho mọi sự”, khi toàn khối bột dậy men, khi toàn thể nhân loại được biến đổi tự bên trong... cho đến thời viên mãn.

Nhưng ngay bây giờ phải hành động ra sao?

Trước hết, tôi đã làm "men” chưa? Tôi có là tình yêu không? có trở nên hình ảnh của Thiên Chúa?

Rồi, tôi có “chôn vùi trong”, có hòa mình vào thế gian để biến đổi nó không?

Một người nam cũng như nữ, đã tự để mình biến đổi thành men, rồi lại tự chôn vùi trong bột nhân loại... thì theo Đức Giêsu, sẽ trở nên một sức sống thông truyền cho toàn thể môi trường họ đang hòa nhập.

Tình yêu cư ngụ trong một người, đức tin sẽ ban cho đời họ một ý nghĩa, cũng sẽ làm dậy lên tất cả những ai sống kề cạnh cách nhẹ nhàng, từ từ, không nhận thấy được.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Dụ ngôn cây cải và men trong bột.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Hai dụ ngôn: cây cải và men trong bột đều nói về sự phát triển của Nước-Trời. nhưng khác nhau ở chỗ:

- Dụ ngôn hạt cải thành cây rau lớn, nhấn mạnh về sự bành trướng về số lượng bên ngoài: lan rộng khắp nơi.

- Còn dụ ngôn men trong bột nói lên ảnh hưởng bên trong để biến đổi thế giới: biến đổi tâm hồn, cuộc sống và xã hội theo tinh thần Tin-Mừng, biến đổi con người nên hoàn thiện, nên tốt lành …

Qua hai dụ ngôn này, chúng ta tin tưởng vào sức mạnh và ảnh hưởng của Kitô giáo trên thế giới và nhờ vậy, chúng ta nhiệt tình làm việc Tông Đồ truyền giáo và nhất là ý thức hơn mỗi khi đọc kinh Lạy Cha: Nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến …

2. Khi so sánh Nước-Trời (việc làm của Thiên-Chúa) với hạt cải bé nhỏ mọc thành cây lớn, và nắm men làm dậy cả khối bột, Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến một đặc tính của Nước-Trời là khởi sự trong khiêm tốn, nhỏ bé, âm thầm, nhưng sẽ thành tựu một cách lớn lao và tốt đẹp.

Sự thành tựu này diễn ra từ từ trong thời gian, nhưng có tính chắc chắn, bởi vì đó là việc do quyền năng và sự can thiệp của Thiên-Chúa. Điều này nhắc nhở chúng ta trong khi thi hành công việc Tông Đồ:

- Đừng nôn nóng đòi hỏi kết quả ngay theo như lòng mình mong muốn.

- Phải kiên trì, nhẫn nại, chờ đợi theo thời gian chứ không thể đốt giai đoạn.

- Vạn sự khởi đầu nan: đừng chán nản thối chí, e ngại … khi thấy việc khó hay sự khó…

- Đừng khinh dể những việc nhỏ, đừng bỏ qua những việc tầm thường, vì ơn Chúa là sức mạnh, làm biến đổi mọi sự.

3. Dụ ngôn cây cải loan báo về sự bành trướng Nước Thiên-Chúa trong thế giới dân ngoại.

- Hội Thánh được khởi đầu với mười hai vị Tông Đồ.

- Ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng trên thế giới trải qua các thời đại.

- Sự tồn tại và sức sống của Hội Thánh sau những lần bị bách hại…

4. Các lời danh ngôn dân gian thường nói lý tưởng này: cái vĩ đại nhất phát sinh từ cái bé nhỏ nhất. Ở đây cũng tương tự như thế: Nước-Trời phải chịu (nơi Đức Giê Su) những bước khởi đầu khiêm tốn, nhưng rồi sẽ phát triển khổng lồ.

5. Thánh Gioan Kim Khẩu đã cho thấy sự liên lạc giữa các bài dụ ngôn: trước kia Chúa đã cho biết: trên bốn phần hạt gieo, thì mất ba, chỉ còn một phần hiệu quả thành công. Nhưng phần thứ tư này cũng gặp khó khăn vì cỏ lùng mọc lẫn. Cho nên các Tông Đồ có thể tự hỏi: kết cục rồi trong Nước-Trời sẽ còn lại bao nhiêu tín hữu. Để đánh tan sự lo sợ đó, Chúa Giê-su đã giảng thêm hai dụ ngôn về hạt cải và men, cho thấy: ban đầu Nước-Trời có vẻ đơn sơ khiêm tốn, nhưng dần sẽ bành trướng bao la: về bề rộng (hạt cải thành cây lớn) và về sau (men làm dậy bột). Đó là việc Chúa làm, khác với kiểu cách của thế gian!

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.